Khi nắp áo quan của Phước “tám ngón” vừa lật ra, mọi người đã vô cùng hoảng hốt khi thấy hình hài của y vẫn nguyên vẹn.
Xin số đề trước phần mộ của tử tù Phước “tám ngón”
Từ khi việc thi hành án tử hình được chuyển sang hình thức tiêm thuốc độc, trường bắn Long Bình (quận 9, TP.HCM) bỗng dưng thành hoang hóa, cỏ dại um tùm. Xung quanh những ngôi mộ của những tử tù còn nằm lại nơi quạnh vắng đó vẫn đang tồn tại những câu chuyện tưởng như khó tin nhưng là có thật…
Phước “tám ngón” là một tên giang hồ máu lạnh, giết người không chút gớm tay. Phước “tám ngón” tên thật là Nguyễn Hữu Thành (SN 1972) sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Dĩ An (Thuận An, Sông Bé cũ, nay là tỉnh Bình Dương). Từ thuở thơ bé, Phước đã là một đứa trẻ ngỗ ngược, khó bảo, thích cuộc sống lang thang, phiêu bạt.
Sở dĩ mọi người gọi hắn với biệt danh “tám ngón” là bởi bàn tay trái của hắn mất ngón cái và ngón trỏ. Đồn rằng khi tuổi mới 14, 15, vì bị mẹ la mắng do ham chơi, Phước đã kê tay lên miếng gỗ rồi vung dao chém lìa hai ngón tay đó.
Phần mộ Phước "tám ngón". |
Mỗi lần dạt nhà đi bụi, để có tiền tiêu xài, đánh đu cùng đám con gái mắt xanh mỏ đỏ ở các hộp đêm ở Sài Gòn, Vũng Tàu, Biên Hòa… Phước cùng đám bạn du thủ du thực của mình đã gây ra hàng loạt những vụ trộm, cướp.
Sự tàn bạo, máu lạnh của Phước và đồng bọn được đúc kết bằng một câu nói mà bất cứ ai nghe cũng sởn da gà: “Bắn trước, cướp sau”. Nhiều nạn nhân của băng nhóm này kể lại rằng khi gặp toán cướp, nhiều người đã quỳ lạy, van xin nhưng Phước vẫn lạnh lùng ra lệnh cho đồng bọn hoặc tự mình nổ súng.
Những tội ác mà Phước “tám ngón” cùng đồng bọn gây ra nên công an các tỉnh trên địa bàn mà băng nhóm này hoạt động đã khẩn trương khoanh vùng, vây ráp. Thình lình xuất hiện, gây án dã man rồi lặn mất tăm nhưng chỉ hơn một năm sau (1993), trước sự truy lùng ráo riết của công an, Phước đã bị bắt. Tháng 6/1994, với những tội ác tày trời mà mình đã gây ra, Phước “tám ngón” bị Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên án tử hình.
Xin số đề ở mộ Phước "tám ngón". |
Sở dĩ người ta cho rằng Phước “tám ngón” thiêng là bởi y “được chết”… 2 lần. Có lẽ, trong lịch sử tội phạm hình sự ở Việt Nam thì Phước là trường hợp hiếm có bởi sau khi bị bắt, bị tuyên án tử hình, đang chờ ngày ra pháp trường thì y may mắn lẩn trốn được khỏi sự truy lùng của thần chết.
Và, cũng chính bởi điều này đã tạo cho Phước “tám ngón” một vị thế khác trên chiếu giang hồ. Cần phải nói rõ rằng Trại giam Chí Hòa (người Sài Gòn thường gọi là khám Chí Hòa) nơi Phước bị giam cầm chờ ngày ra trường bắn có 3 tầng lầu.
Trại giam từng được mệnh danh là “lò bát quái” chỉ có đường vào chứ không có… lối ra này từ khi được xây dựng tới nay chỉ có 2 trường hợp tù nhân đào tẩu thành công và được coi là sự kiện hy hữu.
Trường hợp thứ nhất là vào năm 1945, những người cộng sản đã lợi dụng sự kiện Nhật đảo chính Pháp để tổ chức cướp trại, tổ chức giải thoát cho tù chính trị bị giam cầm nơi đây. Trường hợp thứ hai, xảy ra đúng 50 năm sau và người đã đào thoát khỏi “lò bát quái” này một cách ngoạn mục không ai khác chính là Phước “tám ngón”.
Tại bãi tha ma tử tù Long Bình, so với những ngôi mộ nằm khuất lấp sau tán cỏ tranh khác thì mộ Phước “tám ngón” trông khang trang, bề thế nhất. Bia mộ được làm mới bằng đá hoa cương, ghi đầy đủ tên tuổi, năm sinh năm mất.
Theo những phu trường bắn ở đây thì mộ phần đó không phải do người nhà Phước bỏ tiền xây dựng mà do chính những người đã được y “phát lộc”, cho trúng số đề trả ơn.
Trong chuyến “viếng thăm” nghĩa địa tử tù này, chúng tôi đã may mắn gặp ông Ba Son (nhà ở phường Tân Phú, cách Long Bình chừng gần 1 cây số) người có thâm niên mấy chục năm làm phu ở trường bắn nổi tiếng này.
Trước đây, ông Ba Son sống nhờ việc chôn cất tử tù, thậm chí rình mò trộm xác tử tù theo yêu cầu của gia đình người có thân nhân vướng vào vòng tội lỗi để phải khoác lên mình án tử. Người đàn ông có mái tóc dài lãng tử ấy có nhiều bí mật khó tin về những ngôi mộ tử tù ở trường bắn Long Bình, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là chuyện Phước “tám ngón” hiển linh, cho số lô, đề để cả trăm người… làm giàu không khó.
Ông Ba Son kể những chuyện liên quan đến mộ Phước "tám ngón". |
Theo ông Ba Son, chuyện mồ Phước “tám ngón” linh thiêng được dân tình phát hiện và đồn đại ngay sau khi tên tội phạm khét tiếng này bị bắn chừng hơn 1 năm. Và, ông Ba Son bảo, chính ông là một trong những tác nhân tạo ra tin đồn đó.
Dịp đó, theo ông Son nhớ là vào dịp giỗ đầu Phước. Hôm đó, đang đu mình theo làn khói thuốc ở một quán cà phê gần trường bắn, ông bỗng giật mình khi thấy cả chục người chẳng cần nhìn lâu cũng biết là dân giang hồ, đao búa thình lình xuất hiện trên những chiếc xe phân khối lớn.
Vào quán, họ đến trước mặt ông hất hàm hỏi: “Ông là ông Ba Son?”. “Ủa, mấy anh tìm chú Ba có việc gì vậy?”. “Anh em là lính của anh Phước, muốn nhờ chú Ba đưa xác anh ấy về quê”.
Thuốc lá thơm được mấy tay anh chị gọi ra, tiền cũng được cốp xuống, vớ được món khá, ông Ba gật đầu đánh rụp. Ngay đêm đó, ông Ba cùng với mấy chiến hữu của mình và cả đám “lính của anh Phước” kia nữa đột nhập vào nghĩa trang.
Theo kinh nghiệm nhiều năm đi “ăn xác” của mình, nếu tính thời gian thì khi đó thi thể Phước “tám ngón” đã hoàn toàn phân hủy, ông Ba và các cộng sự chỉ việc bóc tách lấy xương cho vào cốt là xong.
Thế nhưng, lạ lùng, khi nắp áo quan của Phước vừa được lật ra thì mọi người đã vô cùng hoảng hốt khi thấy hình hài của Phước vẫn còn gần như nguyên vẹn. Thêm nữa, chẳng giống như những ngôi mồ mà ông Ba từng bốc trước đây, mồ Phước “tám ngón” có mùi vô cùng kinh khủng. Ông Ba bảo, giờ nghĩ tới mùi đó, ông vẫn thấy rờn rợn, gây gây.
Đám đàn em Phước “tám ngón” cũng chỉ là những tay giang hồ vặt không hơn không kém. Ông Ba kể, nhìn tướng họ cứ nghĩ họ coi trời bằng vung, thế nhưng, khi vừa thấy hình hài đại ca, lại được đón tiếp bằng thứ mùi khó chịu ấy nên đứa thì ôm bụng nôn thốc tháo, đứa thì ba chân bốn cẳng ù té chạy.
Và, khi ấy, thi thể của Phước chẳng còn ai để nhận nữa. Ú ớ với theo mà chẳng giữ được ai, ông Ba và mọi người đành lại chôn Phước xuống.
Theo ông Ba Son, nghe tin ấy, người ta mới bắt đầu râm ran đồn thổi về thân xác không phân hủy của Phước “tám ngón”. Theo quan niệm của nghiện lô, đề, cờ bạc thì những xác rũ như thế thiêng lắm, “cầu con gì về ngay con ấy”, “sáng đi 1 chỉ tối về 7 cây”.
Chẳng hiểu có ai trúng số đề từ việc cầu cúng ở mộ Phước không, nhưng dân tứ xứ đã lũ lượt kéo về đây xì xụp khói nhang, mong Phước hiển linh cho lộc. Ông Ba Son kể, không chỉ dân Sài Gòn mà cả những người máu me đề đóm ở cả những tỉnh miền Đông, miền Tây cũng lũ lượt kéo về, đông như đi hội chợ.
Người ta đội lễ, đội xôi gà, có người còn rước nguyên cả con heo quay cùng vô khối vàng hương đến xếp hàng cầu cúng, xin xỏ. Có người còn thuê cả thày cúng đến, múa may, nhảy nhót loạn xạ.
Theo VTC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét